Hằng năm, các thầy thuốc Viện Y học cổ truyền Quân đội đều hành quân về vùng sâu, vùng xa khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc. Chuyến đi năm nay họ vượt gần 1.000km đến với đồng bào Vân Kiều ở 10 thôn của xã Hướng Lộc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), một xã đặc biệt khó khăn, nằm sát biên giới Việt-Lào, nơi bệnh sốt rét đang hoành hành.
“Cõng” thuốc vượt lầy
Mưa lớn hai ngày trước làm cho các con đường dẫn vào xã Hướng Lộc lầy lội và trơn như đổ mỡ. Cách trung tâm xã 10km, đoàn xe phải dừng lại vì bánh xe ngập trong bùn nhão nhoét. Đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Bình, Phó giám đốc Viện, trưởng đoàn công tác, quyết định: “Đi bộ, để bà con không phải chờ đợi”.
Thuốc trên xe tải được đưa xuống vác bộ, người trẻ khỏe mang nhiều, người tuổi cao, nhân viên nữ mang ít. Xốc lại thùng thuốc to ở trên lưng, Đại tá, tiến sĩ Vũ Thị Khánh Vân, chủ nhiệm khoa Châm cứu-bấm huyệt, nói với tôi:
- Ở quân đội đã lâu, nhưng lần đầu tiên tôi được “hưởng” cảm giác cõng ba lô, vượt đường Trường Sơn như những chiến sĩ đánh giặc năm xưa.
Thương bộ đội dầm mình trong mưa và lội bùn, bà con Vân Kiều nhà ở hai bên đường đã tình nguyện “cõng thuốc” cùng bộ đội. Anh Hồ Văn Bắc chủ của hai chiếc xe công nông, rụt rè nói với Đại tá Dương Ngọc Thanh, Chủ nhiệm chính trị Viện:
- Biết tin bộ đội về khám bệnh, đồng bào Vân Kiều trong xã đi đông lắm. Bộ đội đưa thuốc lên xe để mình chở vào cho đỡ mệt, dành sức khám cho dân mình được nhiều hơn.
Thuốc được chuyển lên xe công nông, còn các thầy thuốc tiếp tục đi bộ vượt lầy, leo dốc.
Vượt qua đập tràn trên con suối đầu xã, chúng tôi gặp đông đảo cán bộ, nhân dân chờ sẵn đón chào. Thương binh Hồ Sút, hồ hởi chạy đến nắm chặt tay Đại tá Trần Quốc Bình, nói: “Chúng tôi đang mong chờ thầy thuốc bộ đội đến khám, chữa bệnh. Lâu rồi xã tôi mới vui như hôm nay”.
Đưa bố mẹ và các con đến khám bệnh, Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc, Hồ Văn Mứt nói với tôi:
- Xã Hướng Lộc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa. 100% dân số ở đây là dân tộc Vân Kiều. Năm nay, cũng nhờ có Bộ CHQS tỉnh và cán bộ tăng cường của BĐBP nên đời sống của bà con được nâng lên đáng kể. Nhưng bệnh tật thì vẫn còn nhiều lắm. Mình mong có nhiều đợt khám bệnh như thế này.
Gặp Thiếu tá Trần Quang Thịnh, BĐBP được tăng cường về xã Hướng Lộc từ hai năm nay và hiện đang làm Phó bí thư Đảng ủy xã, anh tâm sự:
- Đồng bào Vân Kiều ở đây tốt lắm, hết lòng vì cách mạng, nhưng đời sống còn quá khó khăn, một phần vì tập quán canh tác, một phần vì thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học. Sau hai năm chúng tôi về phối hợp giúp chính quyền địa phương đã xóa được tình trạng các buôn “trắng” đảng viên. Chúng tôi còn hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp cán bộ xã xây dựng kế hoạch, cách tổ chức quản lý...
Trong 5 ngày, các thầy thuốc Viện y học cổ truyền Quân đội đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn người, là nhân dân xã Hướng Lộc, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hướng Hóa, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị; tặng thiết bị y tế xã Hướng Lộc trị giá hơn 200 triệu đồng. Cũng trong chuyến công tác này, Viện khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa (trị giá 70 triệu đồng) tặng thương binh Phạm Xuân Hồng ở xã Hải Dương, huyện Hải Lăng và bà Đinh Thị Quế (vợ liệt sĩ) ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong.
Chữa bệnh trong thành cổ Quảng Trị
Vất vả, mệt nhọc của những ngày leo núi, vượt lầy như qua đi khi đoàn thầy thuốc kính cẩn vào viếng liệt sĩ ở Tượng đài Thành cổ Quảng Trị. Ai cũng rưng rưng trước sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của các chiến sĩ. Tiến sĩ, Trung tá Phan Hoài Trung, bác sĩ khoa Ung bướu, có bố là liệt sĩ nhưng đến nay chưa tìm thấy phần mộ, anh tâm sự với tôi:
- Em và gia đình đã nhiều lần vào nơi bố em chiến đấu năm xưa, hy vọng tìm được mộ, nhưng không thấy. Đến viếng các liệt sĩ, em lại nhớ bố khôn nguôi.
Trên đường vào tham quan Nhà bảo tàng, bỗng nghe tiếng kêu thất thanh: “Các bác ơi, cứu bạn cháu với, bạn cháu đang bị ngất”.
Như một phản xạ tự nhiên, Thượng tá Phùng Gia Hợp, chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu hỏi giọng gấp gáp:
- Ở đâu? Ở đâu ? Cháu chạy nhanh dẫn đường!
Đến cổng Thành cổ thấy một cháu gái đang ngất xỉu, mồ hôi đầm đìa, da xanh mét, lạnh toát. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh Hợp nhanh chóng dìu cháu vào bóng mát để bấm huyệt. Chỉ một lát sau cháu gái tỉnh lại, cảm ơn và cho biết cháu là sinh viên năm thứ ba, Trường đại học sư phạm Hà Nội, vào đây 3 ngày để tham quan các di tích ở vùng đất Quảng Trị.
Tôi tò mò hỏi:
- Đang rất mệt mà sao lúc ấy anh chạy nhanh thế?
Anh cười:
- Cứu người mà. Cháu bị say nắng, để lâu rất nguy hiểm, nếu được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh.
Lúc đi khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa, các y, bác sĩ cũng mang theo thuốc và phương tiện y tế để tranh thủ khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các thành viên của hai gia đình và các gia đình xung quanh.
Đi cùng các thầy thuốc mặc áo lính, tôi càng hiểu hơn lời dạy của Bác Hồ với các thầy thuốc: “Lương y phải như từ mẫu”. Tôi cảm nhận trong chuyến đi này, các bác sĩ, dược sĩ, nhân viên điều dưỡng và cả những chiến sĩ lái xe của Viện y học cổ truyền Quân đội đã hết lòng vì người bệnh, vì nhân dân, họ đã thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực.
QĐND - Sunday, April 13, 2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét